Thời gian vừa qua, tôi thấy có rất nhiều người bệnh mắc Covid-19 tự điều trị tại nhà gặp nhiều khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Điển hình như tại Hà Nội, số người mắc Covid-19 quá lớn, đa số các cơ sở y tế đều trong tình trạng quá tải khiến việc giải đáp các thắc mắc của người dân về quy trình xin cấp giấy xác nhận mắc F0 và giấy hưởng BHXH cũng như giải quyết các thủ tục giấy tờ bị chậm trễ. 

Vậy nên, chiều nay đọc được thông tin "Hà Nội hướng dẫn công nhận F0, cấp giấy hưởng BHXH theo 3 bước" tôi mừng quá. Phải chia sẻ ngay cho mọi người cùng biết.

Cụ thể, theo thông tin tôi đọc được trên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, Hà Nội hướng dẫn công nhận F0 cấp giấy hưởng BHXH theo 3 bước như sau: 

Bước 1: Xác định người mắc Covid-19

Tiếp nhận thông tin từ người nghi nhiễm. Thông tin được chuyển đến Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng (được phân công phụ trách từng khu vực tổ dân phố, cụm dân cư đến từng hộ gia đình) bao gồm thông tin người nghi nhiễm và nhu cầu cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (nếu có nhu cầu).

f0-1646987476.jpg
 Hà Nội hướng dẫn công nhận F0 cấp giấy hưởng BHXH theo 3 bước. Ảnh: Doanh nghiệp và Tiếp thị.

Sau khi tiếp nhận thông tin của người nghi ngờ mắc Covid-19, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng tập hợp danh sách người nhiễm, đồng thời thực hiện giám sát bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa cùng với nhân viên y tế được giao phụ trách địa bàn chịu trách nhiệm xác định thông tin về hành chính và xác nhận ca bệnh.

Chuyển danh sách người nhiễm Covid-19 đủ thông tin đã được xác nhận của Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, nhân viên y tế đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn.

Bước 2: Quyết định cách ly, quản lý theo dõi F0 tại nhà

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch xã, phường, thị trấn ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà (Quyết định cách ly ghi rõ số ngày cách ly từ ngày ra quyết định cho đến ngày có xác nhận khỏi bệnh của cơ quan y tế): Gửi bản chụp qua điện thoại, Zalo đến Tổ hỗ trợ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng để gửi cho người mắc qua nhóm Zalo, bản chính lưu tại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn.

Cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý F0 (do Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, thành viên Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và nhân viên y tế... thực hiện).

Nhân viên y tế tại trạm Y tế xã, phường thị trấn: Phân tầng điều trị, chuyển tuyến với các bệnh nhân tầng 2, 3; Kê đơn điều trị ngoại trú; Ký giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội cho F0 tại nhà, cho người mắc có nhu cầu đã đăng ký tại Bước 1 trong thời gian 7 ngày.

Cập nhật thông tin người mắc Covid-19 có tham gia bảo hiểm xã hội lên hệ thống thông tin giám định của Bảo hiểm xã hội để cấp Giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định sau khi có đầy đủ chữ ký của nhân viên y tế có thẩm quyền ký theo quy định.

Bước 3: Xác nhận khỏi bệnh và hoàn thành cách ly

Ngày thứ 7 kể từ ngày có quyết định cách ly y tế và xác nhận ca mắc, F0 tại nhà làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc F0 thực hiện dưới sự giám sát của Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng và nhân viên y tế, bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Nếu kết quả âm tính, trạm Y tế cấp Giấy xác nhận khỏi bệnh và kết thúc cách ly. Nếu kết quả dương tính, người mắc tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (nếu tiêm đủ mũi vắc xin) hoặc 14 ngày (nếu tiêm chưa đủ mũi vắc xin).

Nhân viên y tế tại trạm y tế cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thêm 3 ngày hoặc 7 ngày đối với người tham gia bảo hiểm xã hội và phối hợp để cập nhật lên cổng giám định bảo hiểm xã hội. Cấp Giấy xác nhận khỏi bệnh, kết thúc cách ly vào ngày thứ 10 (nếu tiêm đủ mũi vắc xin) hoặc ngày thứ 14 (nếu tiêm chưa đủ mũi vắc xin) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Y tế hướng dẫn, giám sát việc triển khai Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, kịp thời tổng hợp báo cáo, đề xuất, tham mưu bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch tại địa phương.