P2P lending được hiểu là một hình thức kinh doanh ứng dụng các dịch vụ online nhằm kết nối giữa nhà đầu tư với cá nhân hoặc doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Thông qua đó, người đi vay sẽ dễ dàng nhận được nguồn vốn mình mong muốn mà không cần phải mất thời gian chuẩn bị hồ sơ, thủ tục như mô hình truyền thống phải thông qua các tổ chức tín dụng.

Theo thống kê, tại Việt Nam hiện có khoảng 100 công ty P2P lending cùng hoạt động, bao gồm chính thức và đang thử nghiệm với một số tên tuổi nổi bật như Tima, One Click Money, Vay mượn, Wecash,…Ngoài ra, nhiều công ty P2P lending đến từ Nga, Indonesia, Trung Quốc,…cũng đã nhanh chóng nhập cuộc và tạo nên một cuộc cạnh tranh sôi động trên thị trường.

Mô hình P2P lending xuất hiện đầu tiên tại Anh sau đó lan sang các quốc gia khác như Mỹ, Trung Quốc. Mặc dù mới chỉ xuất hiện thế nhưng các công ty cho vay ngang hàng đã liên tục đưa ra nhiều sản phẩm vay vốn hấp dẫn, ứng dụng nền tảng công nghệ trực tuyến hiện đại để biến mô hình vay nhanh uy tín trở nên đáng tin cậy hơn. Khi sử dụng P2P lending, người vay có thể lựa chọn một trong hai hình thức gồm có hoặc không có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, theo đánh giá chung tình hình thị trường hiện nay thì sản phẩm vay vốn không có tài sản bảo đảm phổ biến hơn nhờ khả năng phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, thời gian vay ngắn và các chi phí liên quan phù hợp hơn. 

Với khách hàng cá nhân, mô hình P2P lending tung ra các sản phẩm vay đa dạng như: vay cầm cố sổ đỏ/ô tô, vay tín chấp theo lương/sổ hổ khẩu/đăng ký xe máy/trả góp…Còn với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) sẽ có cơ hội tiếp cận các dịch vụ khác như tài trợ khoản phải thu, bên mua hàng, vốn lưu động,… Nhờ sự xuất hiện của cho vay ngang hàng cũng đã kích cầu cho sự đi lên của loại hình vay tiền online và nhận được sự tín nhiệm của đông đảo người dùng mạng internet.

Vào năm 2017, quy mô hoạt động P2P lending toàn cầu đạt khoảng 231,1 tỷ USD theo con số thống kê của Adroit Market Research và thị trường cho vay ngang hàng lớn nhất hành tinh hiện nay là Trung Quốc, tiếp theo là Mỹ và Anh. Với tốc độ phát triển như hiện nay, Transparency Market Research nhận định đến năm 2024 thị trường này có thể tăng trưởng lên tới 897,9 tỷ USD.

Đối tượng mà P2P lending hướng đến thường là những người lao động trẻ tuổi, thu nhập không ổn định nên khó tiếp cận được với ngân hàng hay tổ chức tín dụng. Báo cáo cho thấy, khách hàng của các công ty P2P lending tập trung ở độ tuổi 20-39 tuổi (86%) với mức lương từ 3-7 triệu đồng/tháng nhưng rất thành thạo công nghệ.

Tại Việt Nam hiện nay chưa có hành lang pháp lý cụ thể đối với cho vay ngang hàng, do đó hầu hết các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký dưới hình thức kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính hoặc môi giới tài chính

Không thể phủ nhận những lợi ích mà P2P lending mang đến cho thị trường, thế nhưng trước sự bùng nổ của công nghệ 4.0, nếu không có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng thì sẽ xảy ra nhiều loại hình biến tướng ảnh hưởng trực tiếp đến những người đi vay. Thậm chí, nhiều chuyên gia tài chính còn e ngại rằng nếu như mô hình này hoạt động không đúng mục đích còn là nguy cơ dẫn đến tình trạng rủi ro nợ xấu cho khách hàng.