Vũ Thái Hà đến rất đúng giờ. Anh tới quán cà phê mà tôi hẹn trên một chiếc Vespa cổ. Chiếc xe nhẹ nhàng lướt trên phố, không có thanh âm ồn ã, không có tiếng lạch xạch thường thấy của các phương tiện cơ giới cũ. Thú vị hơn nữa là cả chiếc xe và chàng bác sỹ dường như đã hút toàn bộ ánh nhìn của các thực khách trong quán, bởi “họ” cùng sở hữu những nét đẹp mang đậm phong cách châu Âu. 

“Chiếc xe của anh quá đẹp, chắc chắn là một tuyệt phẩm trong giới chơi xe cổ”, tôi đưa ra một nhận xét để mở đầu câu chuyện. Lời nhận xét có phần cảm tính của tôi dường như lại đánh trúng vào mạch xúc cảm của chàng bác sỹ, để rồi không rõ từ lúc nào, câu chuyện của chúng tôi lại chuyển hướng sang đề tài xe cổ - mảng đề tài tưởng như không liên quan tới mục đích cuộc gặp này. 

Bác sỹ Vũ Thái Hà bên chiếc xe mà anh vô cùng yêu quý.

Trong câu chuyện say mê mang sắc màu hoài cổ, Vũ Thái Hà nói rằng, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi còn là sinh viên tại Trường Đại học Y Hà Nội, anh nhận thấy rằng mình có một tình yêu mãnh liệt đối với những chiếc xe. Tình yêu đó dần trở thành khát khao thúc giục anh phải dành dụm tiền và bắt đầu “ngó nghiêng” tìm hiểu thị trường xe cổ. Tuy nhiên, thị trường ấy lại kén người chơi, nó quả thật không dễ chút nào đối với một người vừa mới “chân ướt, chân ráo” vào nghề, hay chính xác hơn là người vẫn còn “đứng bên lề cuộc chơi” như anh. 

Như người ta thường nói: Chơi xe cổ là thú chơi kỳ lạ. Không phải cứ muốn chơi, là có xe, là tìm được xe ưng ý. Và chắc chắn không phải cứ có nhiều tiền là mua được xe. Cái quan trọng hơn hết, đấy là phải có chữ “duyên”. Vũ Thái Hà nói: “Đó là lý do dù cố công tìm kiếm từ những năm cuối thời sinh viên, nhưng phải tới tận khi ra trường, trong chuyến công tác vào vùng Nam Trung bộ, tôi mới có được cái duyên ấy”. 

Và trong câu chuyện ngược về miền ký ức, vị bác sỹ này kể rằng: “Chuyến công tác Phú Yên năm ấy, tôi đã vô tình gặp một người chơi vespa cổ, anh vừa là thợ chuyên sửa dòng xe này và cũng là ông chủ của không ít chiếc xe ấn tượng. Đấy là cơ hội đầu tiên để tôi có thể tiếp cận với một chiếc xe mà mình mơ ước. “Một chiếc Vespa thuộc dòng Standa của những năm 60 nằm trong bộ sưu tập của người thợ ấy đã khiến tôi lập tức bị chinh phục. Tôi nhanh chóng nhận ra vẻ đẹp khó cưỡng của nó và càng mê mẩn hơn khi tôi được nghe bác thợ ấy kể những câu chuyện từ vết tích, số phận của chiếc xe này, càng nghe tôi càng thích, càng đam mê và khát khao sở hữu”, bác sỹ Thái Hà bộc bạch. 

Bên chiếc xe cổ ko còn nhiều trên thị trường

Phải nói rằng từ lúc vô tình được “chạm mặt” chiếc xe ấy, Vũ Thái Hà trở nên mê mẩn và tìm cách thuyết phục người chủ xe bán lại cho anh. Nhưng việc thuyết phục quá khó khăn. “Mãi sau này, vì có phần “nể” bạn tôi, một phần có lẽ do coi trọng sự nghiêm túc của tôi trong việc mong muốn được nâng niu một chiếc xe cổ, người chủ xe đã đồng ý bán... Và với tháng lương ít ỏi, tôi đã mua nợ chiếc xe ấy, dưới sự “bảo lãnh khoản nợ” bởi một đồng nghiệp của tôi ở Phú Yên”, bác sỹ Thái Hà cười nói.

Có được chiếc xe đầu tiên, anh yêu thích vô cùng và luôn coi xe là người bạn thân thiết, đi đâu cả hai cũng có nhau. Nhưng người bạn ấy cũng “cảnh vẻ”, đôi lúc làm khó anh. “Một thời gian sau khi sử dụng xe, tôi đã gặp một số vấn đề. Đó là khi xe đứt dây côn, sặc xăng… tôi dắt đi hàng sửa xe nào cũng không biết tháo ra để sửa. Và khi có hàng nhận sửa thì tôi đành ngồi lại đó cả buổi, để học hỏi và dần dần biết cách thay và sửa những lỗi nhỏ… 

Nói về kỷ niệm với chiếc xe đầu tiên ấy thì nhiều lắm, tôi có thể kể cả buổi không hết chuyện. Chỉ biết rằng đó là chiếc xe mà tôi luôn yêu quý, là chiếc xe mà đến tận hôm nay, khi tôi đã có hơn chục chiếc xe cổ đủ loại, mà tôi vẫn không hề phai nhạt tình cảm dành cho nó. Hằng tuần, cứ có thời gian rảnh vào chủ nhật, tôi lại “diện” chiếc xe này để đi cà phê với bạn bè. Đó là một thú vui tao nhã mà tôi không bao giờ muốn từ bỏ”, bác sỹ Thái Hà trải lòng.

Khi tôi bày tỏ sự ngạc nhiên và muốn nghe thêm nhiều chia sẻ xung quanh “hàng chục chiếc xe” mà anh nói “anh đang sở hữu”, Vũ Thái Hà nói rằng: “Sau khi có chiếc xe đầu tiên - chiếc Vespa 1960 đến như một cái duyên, tôi bắt đầu đi tìm những chiếc vespa cổ khác trong các chuyến công tác ở các tỉnh phía Nam và miền Trung. Tôi đã dành rất nhiều tâm trí để tìm và lựa chọn những dòng Standa và Acma, hai dòng xe mà tôi yêu thích đặc biệt. Cũng có duyên được gặp gỡ những tuyệt phẩm khác thuộc dòng Super hay Sprint, nhưng có vẻ như không ổn lắm, nên sau một thời gian ngắn cùng gắn bó - cùng “dạo chơi”, tôi đã tìm cho chúng những người chủ khác, tôi nghĩ những chủ khác sẽ hợp hơn tôi và chắc chắn những chiếc xe này phải được chủ mới “nuông chiều” hơn tôi. 

“Còn có thêm một kỷ niệm mà tôi rất trân quý nữa, đó là kỷ niệm về chiếc xe thứ hai mà tôi sở hữu trong đời. Chiếc xe này vốn là của người bạn đồng niên. Còn nhớ vào đầu những năm 2000, khi tôi đến thăm anh, tôi lập tức bị cuốn hút bởi nó. Chiếc xe khi ấy lại đang bị “thất sủng” và không thể nổ máy được do bị “nằm nghỉ” quá lâu. Khi tôi ngỏ ý muốn chạy thử với bạn. Không ngờ, bạn tôi nói luôn: “Cậu cứ làm nó nổ được, thì cậu cứ mang về. Tớ tặng cậu”. Và tôi đã có chiếc xe ấy cũng như một cái duyên lạ. Chiếc xe mà tôi luôn yêu quý và đó cũng là chiếc xe mà tôi thường xuyên “diện” tới tận bây giờ”.

“Tôi kể những câu chuyện này là muốn nói với bạn rằng, giới chơi xe cổ chúng tôi luôn coi những chiếc xe như bạn hữu của mình, nên chúng tôi luôn muốn cho từng chiếc xe một cơ hội được “sống”, được yêu thương nhiều nhất trong thế giới những người mê xe”, vị bác sỹ đam mê xe cổ trải lòng. Anh còn nói thêm rằng: “Không những thế, người chơi xe luôn phải có tâm, và phải chịu khó, bởi chơi xe cổ rất dễ bị nản lòng. Với những người mới chơi, giai đoạn đầu luôn là thử thách cam go nhất. Tôi luôn nhớ những kỷ niệm khi bugi hay muội, côn hay đứt hoặc khó khăn khi sặc xăng, rồi đang đi mà chết máy là thường. Quần tây, áo trắng mà tay luôn đầy dầu mỡ... Vất vả lắm đấy, nhưng khi quen rồi thì thấy không bỏ được. Người chơi xe khi thành thạo và có kiến thức nhất định thì lại cần sưu tầm các phụ kiện nguyên bản của xe, từ tay nắm, yên xe, đèn, đến các ốc vít, sự sưu tầm đấy đôi khi không đánh đổi bằng tiền mà là niềm đam mê. Không có đam mê, không thể làm được điều gì có ý nghĩa trong đời, cũng đúng với người chơi xe, không đam mê thì không tài nào “với được” tới ngạch chơi xe cổ.

Vũ Thái Hà nói rằng anh luôn tự hào với bộ sưu tập xe cổ của mình. Mỗi ngày trôi qua, anh đều dành cả tâm hồn của mình, để sống với công việc, để chăm lo cho gia đình, và để nuôi dưỡng những đam mê về thế giới xe cổ. Anh cũng nói, anh phải sống với đam mê này, phải sở hữu, phải giữ gìn những chiếc xe nhuốm màu thời gian. “Để mai sau, khi những cậu con trai của anh lớn lên, anh muốn các con có thể nhớ về một thời quá khứ, thời của những năm 1950-1970 của thế kỷ trước, khi mà xã hội thượng lưu ngày ấy đi lại bằng những chiếc xe mà bố các con đang yêu quý, giữ gìn”.