Cảnh giác với những chiêu trò lừa dối khách hàng của TPCN Mạch Nhất Khang

Quảng cáo sai sự thật, nói quá công dụng của sản phẩm, "hô biến" thực phẩm chức năng (TPCN) thành thuốc chữa bệnh, nhóm đối tượng bán TPCN Mạch Nhất Khang đang có những dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Đọc báo hôm nay thấy thông tin TPCN Mỡ máu Mạch Nhất Khang đã dùng những chiêu trò, thủ đoạn để câu kéo, lừa lọc người bệnh mua sản phẩm của họ như thuốc chữa bệnh với giá trên trời thật sự khiến mình thực sự bức xúc.

3-5091-1624871269.jpg
Thực phẩm chức năng Mạch Nhất Khang.

Vì hai chữ “lợi nhuận”, nhóm đối tượng có địa chỉ tại tòa nhà LK11 Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội) sẵn sàng “biến” TPCN thành thuốc chữa bệnh để lừa dối người tiêu dùng. Để tìm hiểu thực hư những gì đang diễn ra, một phóng viên đã dày công thâm nhập, tìm hiểu để vạch trần những chiêu trò.

Bên cạnh Mỡ máu Mạch Nhất Khang còn có một số sản phẩm khác cũng đang được nhóm đối tượng chạy bán như: xương khớp Mộc Khang, xoa bóp Mộc Khang, bổ tỳ Mộc Nhiên, tinh dầu tỏi... Đặc biệt còn có loại sữa "trị" tiểu đường được quảng cáo là sữa non 100% nhập khẩu từ Hoa Kỳ, sử dụng công thức đặc biệt từ công nghệ Enzim siêu hoạt hóa đầu tiên Việt Nam...

Để có thể thâm nhập vào văn phòng nơi TPCN Mạch Nhất Khang đang được quảng cáo bán hàng khắp nơi cũng không phải là quá khó khăn với vị phóng viên này. Bởi lẽ, tiêu chí tuyển dụng nhân viên bán hàng ở đây không cần phải có kiến thức về y học, dược học, họ chỉ cần có một giọng nói ổn, một tinh thần quyết tâm cao độ vậy là có thể vào làm. 

Họ sẽ bán hàng ra sao khi không hiểu về thành phần của sản phẩm, công dụng thực tế của nó ra sao? Không vấn đề, bởi tất cả  “Thông tin về bệnh mỡ máu” và “Kịch bản sale đỉnh cao” đều đã được công ty chuẩn bị và yêu cầu bạn đọc đi đọc lại nhiều lần cho thuần thục, đồng thời bạn còn được động viên, khích lệ tinh thần.

"Những mớ âm thanh hỗn độn bắt đầu vang lên “Alo! Tôi gọi cho mình từ bên Lương y Minh, gọi điện để hỗ trợ cho mình cái tình trạng mỡ máu đây/ Alo! Tôi ở bên đơn vị cô Minh đây, thấy các cháu bảo mình đang có mong muốn điều trị mỡ máu đây phải không?”... Tất cả cùng tập chung hết trí lực, lao đầu vào các cuộc gọi chạy đua doanh số, “cháy hết mình” vì công việc.

4-8059-1624873110.jpg
Những nhân viên kinh doanh của Hệ thống POCOLO. (Ảnh: Pháp luật Việt Nam).

Và từ đây, TPCN Mạch Nhất Khang được tư vấn đến khách hàng như “thần dược” và quảng cáo có tác dụng điều trị mỡ máu, cam kết hiệu quả 100% chỉ sau 1 liệu trình sử dụng. Rất nhiều chiêu trò, mánh khóe được dùng để câu dụ, chèo kéo khách hàng được các nhân viên kinh doanh tại đây áp dụng."

Để có thể bán được nhiều sản phẩm, những nhân viên ở đây phải biết giả giọng nói, thay đổi và biến tấu giọng nói tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, từng bệnh nhân tư vấn. Giọng nói phải thật trầm, cứng cáp và thay đổi lên xuống linh hoạt thì mới có thể lấy được lòng tin của khách hàng.

Đôi lúc, những nhân viên ấy thậm chí còn dùng cái giọng nhấn nhá, gắt gỏng, đẩy người bệnh vào những lo âu, sợ hãi miễn sao đạt được mục địch bán hàng của mình như: “Cái tình trạng của mình mà để mỡ máu tăng cao, sẽ bị xơ vữa động mạch, suy tim, hoặc đột quỵ... Nhiều biến chứng nguy hiểm, rồi lúc đó chạy chữa không kịp đâu. Lúc ấy quay lại thì tôi không hỗ trợ cho mình nữa đâu nhá!”.

Có những nhân viên dù tuổi đời mới 18, 20 nhưng đã đạt đến trình độ “đỉnh cao” trong lĩnh vực kinh doanh online với rất nhiều kinh nghiệm, ngày ngày trong vai ông nọ, bà kia lừa dối biết bao người tiêu dùng. 

Tất cả đều là một kịch bản đã được soạn sẵn và học thuộc, cộng thêm chút kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng và chất giọng “biến hóa” của mình, các nhân viên kinh doanh tại đây đã hoàn thành vai diễn một cách xuất sắc và thu được nguồn lợi nhuận không hề nhỏ bằng việc “bán” lương tâm và đạo đức của mình.

Từ trước đến nay các cơ quan chức năng đã rất nhiều lần cảnh báo người tiêu dùng về những chiêu trò lừa dối khách hàng của một số đơn vị kinh doanh TPCN nhưng lại quảng cáo bán hàng như thần dược. Cũng có rất nhiều người bệnh vì tin lời quảng cáo hay, đi vào lòng người mà bỏ ra không ít tiền để mua "thuốc" với hy vọng bệnh tình sẽ thuyên giảm nhưng cuối cùng nhận lại là một "cú lừa". Thậm chí còn có những trường hợp làm bệnh tình ngày càng nặng hơn. 

Dẫu vẫn biết "có bệnh thì vái tứ phương", nhưng vẫn mong rằng mỗi chúng ta đều nên thật sự cảnh giác trước những lời quảng cáo, mời mọc mua hàng online. Khi bị bệnh, chúng ta hãy tới bệnh viện thăm khám và tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ, tránh tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị để tránh những ảnh hưởng không mong muốn của thuốc trong quá trình điều trị.

Đối với những đơn vị kinh doanh TPCN, luật Dược cũng đã quy định rõ, cấm quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng công dụng được cấp phép, quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, có lẽ do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh so với những lợi nhuận từ việc bán hàng mang lại, nên những đơn vị này vẫn cố tình làm ngơ. 

Cũng mong rằng Bộ Y tế, Cục ATTP và các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ những đơn vị kinh doanh bất chấp mọi thủ đoạn, lừa dối khách hàng như trên. 

Điều 23, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm quy định quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm nêu rõ:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật;

b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”.

Nguồn: https://baophapluat.vn/man-mo-dau-cho-nhung-chieu-tro-lua-doi-khach-hang-cua-tpcn-mach-nhat-khang-post399734.html

Link nội dung: https://hanghoathuonghieu.vn/canh-giac-voi-nhung-chieu-tro-lua-doi-khach-hang-cua-tpcn-mach-nhat-khang-a22940.html