Những dấu hiệu cảnh báo nặng với F0 điều trị tại nhà cần biết?

TP.HCM hiện đang có khá nhiều F0 được điều trị tại nhà. Việc điều trị tại nhà sẽ không có bác sĩ trực tiếp thăm khám thường xuyên, do đó, nếu F0 hoặc người chăm sóc thấy những dấu hiệu trở nặng như: SpO2 dưới 96%, nhịp thở tăng, mạch nhanh, tức ngực, tím môi, không uống được... cần thông báo ngay cho nhân viên y tế quản để có biện pháp kịp thời nhất.

Theo Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho bệnh F0 do Sở Y tế TP HCM ban hành ngày 23/11 có nêu rõ, nếu F0 hoặc người chăm sóc  thấy có 1 trong các dấu hiệu dưới đây cần thông báo ngay cho nhân viên y tế quản lý. Cụ thể:

- F0 hoặc người chăm sóc cần báo ngay cho nhân viên y tế quản lý khi F0 có một trong những dấu hiệu:

- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

- Nhịp thở tăng từ 21 lần mỗi phút trở lên đối với người lớn, từ 40 lần một phút trở lên đối với trẻ từ một đến dưới 5 tuổi, từ 30 lần/phút trở lên đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

- Độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2) dưới 96% nếu đo được.

- Mạch nhanh trên 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 nhịp/phút.

- Huyết áp thấp với huyết áp tối đa dưới 90 mmHg, huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg nếu đo được.

- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bỏ thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

- Thay đổi ý thức như lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt hoặc mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

- Không thể uống.

Đối với trẻ em, khi thấy có biểu hiện sốt trên 38 độ C, đau rát họng, ho, tiêu chảy, trẻ mệt, không chịu chơi, tức ngực, cảm giác khó thở, SpO2 dưới 96%, ăn hoặc bú kém...

dau-hieu-fo-dieu-tri-tai-nha-tro-nang-1637746208.PNG
F0 hoặc người chăm sóc cần báo ngay cho nhân viên y tế quản lý khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bệnh nặng. Ảnh: Vnexpress.

Như vậy, việc điều trị F0 tại nhà bên cạnh sự tiện lợi trong chăm sóc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở nặng bất ngờ. Do đó cá nhân người bệnh hoặc người chăm sóc cần hết sức lưu ý đến những chuyển biến xấu để có biện pháp giải quyết kịp thời nhất.

Bên cạnh chữa trị thì hoạt động sinh hoạt khoa học cũng sẽ góp phần rất lớn để khỏi bệnh. Vì vậy , F0 nên giữ tâm lý luôn thoải mái, không bi quan. Khi gặp khó khăn, liên hệ nhân viên y tế địa phương hoặc tổng đài 1022 để được tư vấn. F0 cần mang khẩu trang liên tục, thường xuyên rửa tay, sát khuẩn tay. Rửa mũi, súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Chú trọng tập thể dục, vận động nâng cao sức khoẻ. Uống đủ nước hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy. Không bỏ bữa, tăng cường sinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường trái cây tươi, rau xanh.

Để nắm bắt được tình hình sức khỏe hàng ngày, F0 cần tự theo dõi sức khoẻ, đo thân nhiệt, SpO2 tối thiểu hai lần mỗi ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt, khó thở. Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất một lần hoặc khi có triệu chứng bất thường, qua ứng dụng "Y tế TP HCM" hoặc phiếu tự theo dõi sức khỏe.

Hoạt động điều trị sẽ đạt hiệu quả nhất khi F0 cách ly ở không gian thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm, thường xuyên làm vệ sinh các bề mặt, vật dụng, nhà vệ sinh. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo, phân loại chất thải đúng quy trình.

Nhằm bảo vệ cho chính mình và những người xung quanh, F0 không tự ý rời khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không sử dụng chung vật dụng với người khác, không ăn uống cùng người khác, không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi.

Link nguồn: https://vnexpress.net/dau-hieu-canh-bao-nang-voi-f0-tai-nha-4393239.html

Link nội dung: https://hanghoathuonghieu.vn/nhung-dau-hieu-canh-bao-nang-voi-f0-dieu-tri-tai-nha-can-biet-a23252.html