Cách chia bố cục CV phù hợp với từng mức độ kinh nghiệm

Chia bố cục trong CV là một nghệ thuật trình bày nhằm tạo được ấn tượng lập tức với nhà tuyển dụng. Tùy theo công việc ứng tuyển mà bạn có thể chọn cách chia bố cục khác nhau. Dưới đây là một vài cách để bạn có thể tham khảo.

Bố cục CV theo cách thông thường  

Đây là cách chia bố cục phù hợp với mọi “tầng ứng viên” vì những yếu tố cơ bản được sắp xếp theo thứ tự phổ biến. Bạn có thể thấy nhiều bản mẫu CV xin việc đều đi theo bố cục này. 

- Thông tin cá nhân gồm tên họ, năm sinh, số điện thoại, email liên lạc, địa chỉ mạng xã hội (nếu có/ cần thiết)

- Mục tiêu nghề nghiệp

- Học vấn

- Kỹ năng

- Kinh nghiệm làm việc

- Thành tích

-  Người tham khảo (có thể cần hoặc không)

1-cv-cin-viec-1659400244.JPG
Chia bố cục trong CV là một nghệ thuật trình bày nhằm tạo được ấn tượng lập tức với nhà tuyển dụng. Ảnh: internet.

Cách bố cục CV dành cho ứng viên đã có kinh nghiệm

- Thông tin cá nhân

- Kinh nghiệm làm việc

- Mục tiêu nghề nghiệp

- Học vấn

- Kỹ năng

- Người tham khảo

Cách chia bố cục CV này dành cho người có kinh nghiệm muốn nhấn mạnh kinh nghiệm qua quá trình làm việc cụ thể. Đặc biệt mục kinh nghiệm làm việc được đặt ngay dưới thông tin cá nhân, sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng nhìn thấy. 

Tại mục này bạn có thể tóm tắt quá trình làm việc cũng như lồng ghép các kỹ năng quan trọng theo mức độ phù hợp với công việc ứng tuyển để tạo được ấn tượng nhanh nhất. 

Cách chia bố cục CV cho ứng viên còn thiếu kinh nghiệm

- Thông tin cá nhân

- Học vấn

- Kỹ năng làm việc

- Mục tiêu nghề nghiệp

- Hoạt động ngoại khóa

- Thành tích nổi bật đã đạt được có liên quan đến ngành học

Khi bạn mới tốt nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc thì cần đưa học vấn và kỹ năng lên sau ngay phần thông tin cá nhân. Hơn nữa bạn có thể nhấn mạnh các hoạt động ngoại khóa, thành tích đạt được hoặc một số công việc, dự án nho nhỏ bạn đã từng tham gia để qua đó thể hiện nỗ lực theo đuổi công việc mình đã chọn một cách nghiêm túc.

 Cách chia bố cục CV khi xin việc trái ngành

Trong trường hợp bạn là ứng viên xin việc trái ngành tất nhiên sẽ có bất lợi. Tuy nhiên bạn vẫn có thể chinh phục nhà tuyển dụng với một bản CV được trình bày khéo léo và thuyết phục.

Bố cục của bản CV này thường là:

- Thông tin cá nhân

- Mục tiêu nghề nghiệp

- Kinh nghiệm liên quan

- Kỹ năng làm việc

Hãy đề cập đến niềm đam mê của bạn với công việc này trong phần mục tiêu nghề nghiệp thay cho lời giải thích lí do bạn chọn công việc trái ngành. Bên cạnh đó đừng quên đề cập đến kỹ năng và kinh nghiệm mà bạn đã rèn luyện được giúp ích gì cho công việc mới. 

Thông thường trong một bản CV, vị trí nào cũng được xem là “mặt bằng đắt giá”. Tuy nhiên, vị trí “đắt đỏ” nhất thường là phía trên cùng sau phần thông tin cá nhân. Đây sẽ là nơi mà nhà tuyển dụng sẽ lướt qua đầu tiên để tìm kiếm thông tin quan trọng. Thế nên, hãy dành vị trí này cho thông tin đắt nhất, có giá trị nhất của bạn. 

Bên cạnh bố cục về nội dung thì hình thức cũng rất quan trọng. Phần ảnh chân dung nên được thiết kế góc bên phải hoặc trái của CV, bên dưới đi kèm thông tin cá nhân ngắn gọn. Màu sắc CV cũng cần hài hòa và có liên quan đến màu sắc đặc trưng của công ty tuyển dụng. Hạn chế sử dụng màu sắc lộn xộn vì sẽ làm cho bản CV trở nên lòe loẹt gây khó chịu cho người đọc.

Nhìn chung, dù bạn là ứng viên có kinh nghiệm hay chưa, trái ngành hay đúng ngành thì việc thể hiện được thế mạnh của bản thân phù hợp với vị trí ứng tuyển là điều quan trọng nhất. Để làm được điều này thì cách chia bố cục CV đóng góp một phần quan trọng. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các ứng viên tự soạn thảo cho mình một bản CV ấn tượng nhất gửi đến nhà tuyển dụng để có được cơ hội nghề nghiệp mong muốn.

Link nội dung: https://hanghoathuonghieu.vn/cach-chia-bo-cuc-cv-phu-hop-voi-tung-muc-do-kinh-nghiem-a23480.html