Tài sản tỷ đô

Công ty cổ phần Him Lam (Him Lam) là doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của đại gia Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank và nguyên Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank.

693989-4rgb-color-ab4f2ae3-1625735041.jpg

Là thế lực lớn trên thị trường bất động sản, Him Lam sở hữu quỹ đất khủng và phát triển dự án lớn. Ông Dương Công Minh chỉ nhận thua kém Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng. Trên thực tế, Him Lam không chỉ đứng sau Vingroup. Tuy nhiên, danh sách các ông lớn có thể vượt mặt được Him Lam là rất ít.

Tính tới thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của Him Lam lên đến 70.679 tỷ đồng (khoảng 3,05 tỷ USD). Rất ít đại gia bất động sản có tổng tài sản lớn hơn Him Lam. Đó là Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (422.504 tỷ đồng), Công ty cổ phần Vinhomes (215.326 tỷ đồng), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (144.536 tỷ đồng).

Những đơn vị còn lại trong Top 10 doanh nghiệp bất động sản có vốn hoá thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam đều thua xa Him Lam về tổng tài sản.

Công ty Cổ phần Thaiholdings của bầu Thuỵ đứng thứ tư trong danh sách này nhưng chỉ ghi nhận tổng tài sản đạt 10.450 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2020. Các doanh nghiệp đứng sau đó như Công ty Cổ phần Vincom Retail, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (BCM), Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền có tổng tài sản lần lượt là 39.816 tỷ đồng, 43.516 tỷ đồng, 13.934 tỷ đồng,…

Nợ gấp 10 lần vốn

Có thể thấy, Him Lam thực sự là ông lớn nếu xét về tổng tài sản. Thế nhưng, trên thực tế, đây chưa hẳn đã là tín hiệu tốt khi mà nợ của Him Lam quá cao, cao gấp gần 10 lần vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2020, tổng nợ phải trả của Him Lam là con số khổng lồ, lên đến 64.142 tỷ đồng, chiếm tới 90,8% tổng nguồn vốn. Hay nói cách khác, nợ phải trả tại Him Lam cao gấp 9,8 lần vốn góp chủ sở hữu. Với một doanh nghiệp nhà nước, tỷ lệ này được quy định tối đa chỉ là 3 lần.

Có rất nhiều nguồn hình thành nên nợ của Him Lam. Chỉ tiêu phải trả người bán ngắn hạn là 1.349 tỷ đồng, chỉ tiêu người mua trả tiền trước ngắn hạn là 1.8979 tỷ đồng. Đáng chú ý vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 2.416 tỷ đồng.

Chưa tính đến vay dài hạn, chỉ tiêu vay ngắn hạn 2.416 tỷ đồng được tin là gây áp lực trả nợ không nhỏ cho Him Lam. Tuy nhiên, trong năm 2020, Him Lam gây bất ngờ khi chi phí lãi vay chỉ là… 0 đồng dù tổng chi phí tài chính lên đến 2.388 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là bên cho vay là ai khi Him Lam không phải trả tiền lãi trong năm 2020?

Hiện tại, dù ông Dương Công Minh không trực tiếp sở hữu cổ phần tại Him Lam nhưng ông Minh là nhà sáng lập công ty bất động sản này. Đồng thời, qua từng thời kỳ khác nhau, ông Minh còn là Chủ tịch HĐQT Sacombank và LienvietPostBank.

Trước đây, LienVietPostBank nhiều lần hỗ trợ tài chính cho một số dự án do Him Lam và công ty con Him Lam Land phát triển như dự án khu nhà ở Him Lam Tân Hưng, Him Lam RiverSide, dự án Him Lam Green Park, dự án khu du lịch-nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu, dự án Him Lam Phú An,…

Không chỉ có vậy, một số tài sản của Him Lam cũng đang được cầm cố tại nhiều chi nhánh của LienVietPostBank như sàn thương mại thuộc Khu nhà ở chung cư cao tầng Him Lam Chợ Lớn, sàn thương mại thuộc Chung cư cao tầng lô A3, Khu dân cư Him Lam,…

Sacombank cũng bị gọi tên trong mối quan hệ tín dụng với Him Lam khi có nghi vấn Sacombank chuyển khoản nợ “khủng” sang LienVietPostBank với dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An.

Tài sản tỷ đô, đóng thuế nhỏ giọt

Sở hữu tài sản tỷ đô nhưng bức tranh tài chính của Him Lam lại không hề rực rỡ khi doanh thu, lợi nhuận và thuế thu nhập doanh nghiệp của Tập đoàn này đều là những con số khiêm tốn.

Năm 2020, Him Lam ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 4.488 tỷ đồng. Doanh thu thấp nhưng chi phí lại khá cao, chi phí tài chính lên đến 2.388 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp là 112 tỷ đồng.

Chính vì vậy, tổng lợi nhuận trước thuế của Him Lam chỉ là 45 tỷ đồng nên chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 chỉ ghi nhận 25,5 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Him Lam rất khiêm tốn, đạt 19,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, những đơn vị có tổng tài sản thấp hơn Him Lam rất nhiều lại nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao vượt trội so với Him Lam.

Ví dụ, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 Vincom Retail,BCM, Khang Điền là 256 tỷ đồng, 124 tỷ đồng và 321 tỷ đồng.

Nguồn bài viết: https://nguoimuanha.vn/tai-san-ty-do-cua-him-lam-chu-yeu-la-no-36879.html