Theo thông tin tôi đọc được trên Vietq, trong tuần qua, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp phải chịu mức xử phạt lên đến 200 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Danh sách các doanh nghiệp bị xử phạt như sau:

Công ty cổ phàn Sữa Hà Nội bị phạt 85 triệu đồng vì không công bố thông tin

Thanh tra UBCKNN đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Sữa Hà Nội số tiền 85 triệu đồng.

Nguyên nhân do Sữa Hà Nội đã không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật. Cụ thể, Sữa Hà Nội không công bố thông tin đối với BCTC năm 2020, 2019, 2018, 2017 đã được kiểm toán, BCTC bán niên soát xét năm 2020, 2019, Báo cáo thường niên năm 2020, 2019, Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2017; công bố thông tin không đúng thời hạn đối với BCTC Quý 2/2019, Báo cáo thường niên năm 2018, BCTC bán niên đã được soát xét năm 2016, BCTC năm 2016 đã được kiểm toán, BCTC bán niên đã được soát xét năm 2017; báo cáo không đúng thời hạn đối với BCTC kiểm toán năm 2015, Báo cáo thường niên năm 2015, BCTC quý 1/2016, quý 2/2016, quý 3/2016, BCTC bán niên năm 2016 đã được soát xét, BCTC bán niên năm 2017, BCTC năm 2016 đã được kiểm toán, BCTC quý 4/2016, Báo cáo thường niên năm 2016 và BCTC quý 1/2017.

chung-khoan-1641370980.jpg
Ảnh minh họa (Ảnh: Đầu tư Việt Nam).

Alpha Seven bị phạt 100 triệu đồng

UBCKNN đã ban hành quyết định phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Tập đoàn Alpha Seven (mã chứng khoán DL1) số tiền 100 triệu đồng.

Nguyên nhân do Tập đoàn Alpha Seven đã vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về giao dịch với người có liên quan. Cụ thể, theo báo cáo tài chính (BCTC) riêng năm 2020 của Tập đoàn Alpha Seven, Tập đoàn đã cho CTCP Trồng rừng và Cây công nghiệp Đức Long Gia Lai (bên liên quan của Công ty do có chung Thành viên Hội đồng quản trị) vay 60,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, giao dịch này chưa được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Tập đoàn cũng cho CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (bên liên quan của Công ty do có chung cổ đông lớn) vay 4 tỷ đồng theo hợp đồng cho vay số 116/2019 ngày 30/6/2019 và Phụ lục số 01/PLHĐ ngày 26/6/2020.

Nước giải khát Viger bị phạt 50 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn

Thanh tra UBCKNN đã ra quyết định xử phạt đối với CTCP Bia rượu nước giải khát Viger có địa chỉ tại Khu 7 phường Thanh Miếu, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ số tiền 50 triệu đồng.

Nguyên nhân do Nước giải khát Viger đã báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Cụ thể, Công ty báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với Báo cáo thường niên năm 2017, Tài liệu họp và Nghị quyết họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, 2019.

Vi phạm nhiều lỗi khi giao dịch cổ phiếu DDV, Công ty Việt Kim bị phạt 200 triệu đồng

UBCKNN đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Việt Kim, địa chỉ tại tầng 4, số 49B đường Cổ Điển, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội tổng số tiền 200 triệu đồng.

Trong đó, phạt tiền 140 triệu đồng do Công ty Việt Kim đã không công bố thông tin khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng và khi không còn là cổ đông lớn. Cụ thể, ngày 17/5/2021, Công ty Việt Kim đã mua 4.873.800 cổ phiếu DDV của CTCP DAP – VINACHEM, làm tăng lượng sở hữu từ 3,42% lên 6,76% số cổ phần có quyền biểu quyết, trở thành cổ đông lớn của DAP Vinachem. Ngày 25/5/2021, Công ty Việt Kim đã bán 1.418.000 cổ phiếu DDV, làm giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,34% xuống còn 4,73%, không còn là cổ đông lớn của DAP Vinachem. Đến ngày 06/7/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chưa nhận được công bố thông tin về việc trở thành cổ đông lớn của Công ty và công bố thông tin về việc không còn là cổ đông lớn của Công ty.

Ngoài ra Công ty Việt Kim còn bị phạt tiền 60 triệu đồng do không công bố thông tin khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết. Cụ thể, ngày 21/5/2021, Công ty bán 589.300 cổ phiếu DDV làm giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,13% xuống còn 5,72% số cổ phần có quyền biểu quyết của DDV. Đến ngày 06/7/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội không nhận được công bố thông tin khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu qua ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu của Công ty đối với cổ phiếu DDV.

Theo tôi đánh giá thị trường chứng khoán ở Việt Nam so với thế giới còn tương đối non trẻ. Do đó, tôi thiết nghĩ cần thiết lập hành lang pháp lý đúng đắn, hiệu quả để phát triển thị trường này cũng như hạn chế các tiêu cực, hành vi thao túng giá chứng khoán, trục lợi trái phép.

Đọc thêm thông tin lại link bài: https://vietq.vn/hang-loat-doanh-nghiep-bi-uy-ban-chung-khoan-nha-nuoc-phat-nang-d195915.html