Cụ thể, khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận bệnh nhân xuất hiện các vấn đề sau khi tự uống thuốc giảm đau Paracetamol trong tình trạng ý thức lơ mơ, tiếp xúc chậm chạp, mệt mỏi, nôn nhiều,da vàng đậm, bụng chướng đau.

Theo người nhà chia sẻ, khoảng 6 ngày trước khi vào viện, chị A đau đầu đã tự ý mua paracetamol uống 4 viên 500mg/ngày trong vòng 6 ngày, tổng liều là 12g. 

20190816-115706-260965-paracetamolmax-1800x1800-1623835339.png
Ảnh minh họa.

Qua khai thác tiền sử bệnh, các bác sĩ nhận thấy người bệnh khả năng cao bị ngộ độc thuốc paracetamol do dùng thuốc liều cao kéo dài nhiều ngày. Sau 3 giờ nhập viện và làm đầy đủ các xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán suy gan cấp do ngộ độc thuốc paracetamol.

Chức năng gan tại thời điểm nhập viện bị rối loạn nặng, bilirubin toàn phần là 222 µmol/L, bilirubin trực tiếp là 168 µmol/L, chỉ số men gan tăng cao GOT là 1303 U/l, GPT là 2403U/l, rối loạn đông máu PT 60%, INR 1,29.

Ngay lập tức người bệnh được tiến hành điều trị theo thuốc giải độc đặc hiệu Acetylcystein đường tĩnh mạch liên tục 20h, hỗ trợ tế bào gan, dinh dưỡng.

Sau 6 ngày điều trị bằng các thuốc giải độc đặc hiệu và các biện pháp hồi sức tích cực, tình trạng người bệnh đã dần ổn định, ăn uống được, đỡ vàng da.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp cũng đã từng bị ngộ độc thuốc paracetamol xảy ra, cần thay đổi thói quen sử dụng thuốc tùy ý là việc làm vô cùng cần thiết.

Tốt nhất là bạn nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn được ghi trên bao bì hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ. Không bao giờ uống thuốc quá liều so với quy định. Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng trực tiếp, tránh ẩm. Ngưng sử dụng thuốc và đến ngay cơ sở y tế để khám khi cơ thể xuất hiện những biểu hiện lạ, các triệu chứng bệnh ngày càng nặng.

Nguồn bài viết: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/202106/hiem-hoa-tu-viec-lam-dung-thuoc-giam-dau-paracetamol-177706