Qua tình hình thực tế về dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng cũng như trên cả nước nói chung, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Về thứ tự ưu tiên đối tượng tiêm vắc xin Covid-19 được đưa ra căn cứ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác và đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vắc xin.

vac-xin-1626943225.jpg
Ảnh minh họa.

Cụ thể, các nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 tại Hà Nội bao gồm:

1. Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế công lập và tư nhân; người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); lực lượng Quân đội; lực lượng Công an.

2. Nhân viên, cán bộ Ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

3. Cán bộ, người lao động của các cơ quan, đơn vị đã tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch, các đơn vị hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh.

4. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước, ngân hàng, kho bạc, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, cơ sở chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế, người dân ở vùng/khu du lịch ...

5. Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, các tổ chức thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

6. Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

7. Công nhân tại các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, Cụm Công nghiệp, điểm công nghiệp.

8. Người mắc các bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.

9. Người sinh sống ở các khu vực có dịch.

10. Các chức sắc, chức việc tôn giáo.

11. Các đối tượng là lao động phổ thông thường xuyên tiếp xúc với nhiều người tại những nơi tập trung đông người như: nhóm người lao động tự do, thường xuyên tiếp xúc với nhiều người như lái xe tắc xi, xe ôm, bốc vác, đánh giầy, bán hàng rong...

12. Người làm việc trong các trại giam, trại tạm giam và phạm nhân.

13. Người dân không nằm trong các nhóm đối tượng nêu trên, nhưng có thể ưu tiên theo yêu cầu của công tác phòng chống dịch tại từng thời điểm cụ thể theo diễn biến tình hình dịch bệnh.

Phạm vi triển khai tiêm vắc xin phụ thuộc vào lượng vắc xin được cung ứng, phạm vi triển khai sẽ thực hiện theo đề xuất của ngành Y tế, cụ thể:

- Khi nguồn vắc xin chưa đủ: Phân bổ số lượng vắc xin cho các quận, huyện, thị xã theo thứ tự ưu tiên: có ca F0 mới, có nhiều khu công nghiệp, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung...

- Khi có đủ vắc xin: Triển khai đồng loạt trên toàn thành phố.

- Ngoài ra căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế tại thời điểm triển khai chiến dịch sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương nhằm đảm bảo tối ưu nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh với nguyên tắc: Ưu tiên tiêm trước cho các nhóm đối tượng ở các quận, huyện đang có dịch.

Mong rằng với phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của UBND thành phố Hà Nội công tác tiêm phòng vắc xin sẽ được thực hiện một cách bài bản, nhanh chóng để đạt hiệu quả cao nhất. 
Cùng với đó cũng mong tất cả nhân dân trên địa bàn thành phố cùng đồng lòng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất, đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. 

Nguồn: https://luatvietnam.vn/y-te/cong-van-170-pa-ubnd-ha-noi-trien-khai-chien-dich-tiem-chung-vac-xin-phong-covid-19-205986-d2.html