Là dự án của Tập đoàn Nam Cường, khu đô thị Dương Nội bắt đầu được khởi công xây dựng từ năm 2008 trên quỹ đất có diện tích lên đến 197ha, bao gồm các tiểu khu cao tầng và thấp tầng. Dự án phát triển với định hướng trở thành Zero – Energy Township – Khu đô thị cân bằng năng lượng đầu tiên tại Việt Nam dành cho 2,5-3 vạn dân. 

Quá trình TP Hà Nội bàn giao quỹ đất cho dự án, các cơ quan chức năng đã áp giá đất với nhà đầu tư chỉ khoảng 8,5 triệu đồng/m2. Khi thị trường giá đất tăng vọt lên khoảng 30 - 40 triệu đồng/m2, nhờ hưởng mức chênh lệch giá đất lớn nên Tập đoàn Nam Cường đã “trúng đậm”. Sau này cơn sốt bất động sản qua đi, thị trường ảm đạm, dự án khu đô thị Dương Nội cũng theo đó lắng xuống. 

Khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường. 

Dù vậy, theo báo chí phản ánh, gần đây các hoạt động giao dịch mua bán đất tại dự án này vẫn diễn ra âm thầm. Giá trị giao dịch mỗi hợp đồng cao gấp vài lần so với giá trước kia. Cụ thể, văn phòng tập đoàn Nam Cường rao bán các sản phẩm biệt thự cao cấp có diện tích từ 164m2 đến hơn 300m2. Giá bán trung bình mỗi căn từ 11,6 tỉ đồng trở lên. Khách hàng sẽ được phía chủ đầu tư chia tiến độ đóng tiền thành 7 đợt, mỗi đợt từ 5-15% đến 25%.

Một nhân viên tư vấn bán hàng tại đây cho biết, các biệt thự của Nam Cường có diện tích 180m2 đang được bán với giá khoảng 13 - 14 tỉ đồng. Hiện đây cũng là giá bán chính thức của chủ đầu tư. Tuy nhiên vấn đề bất cập nhất ở đây chính là khi khách hàng làm thủ tục mua bán thì số tiền ghi trong hợp đồng thực tế chỉ còn 8 tỉ đồng. Số tiền còn lại là 5 tỉ đồng khách hàng sẽ thanh toán trực tiếp cho chủ đầu tư và không có hóa đơn chứng từ. 

Khi khách hàng thắc mắc điều này, nhân viên sàn giao dịch bất động sản Nam Cường trấn an rằng đây chỉ là một “mẹo nhỏ” nhằm “lách luật” để giảm bớt thuế cho người mua. Nhiều người cho rằng, với cách lách luật như vậy doanh nghiệp không chỉ đút túi bất minh số tiền rất lớn mà còn gây thất thoát tiền thuế, tiền ngân sách của nhà nước. 

Theo Khoản 5 Điều 108 Luật Quản lý thuế quy định hành vi trốn thuế là “Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn”. Các bên ký nhiều hợp đồng (hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng, văn bản thỏa thuận…) mua bán tài sản với số tiền khác nhau, sau đó sử dụng hợp đồng giá thấp để khai thuế được xác định là những tài liệu không hợp pháp.

Người nộp thuế có nghĩa vụ: khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế… Khi cơ quan nhà nước có cơ sở xác định hợp đồng mà người nộp thuế kê khai sai giá chuyển nhượng thực thì hợp đồng đó là không hợp pháp.

Nếu những thông tin báo chí đã phản ánh là chính xác, phải chăng Tập đoàn Nam Cường đã cố tình “chiêu trò" bán nhà hai giá nhằm thực hiện hành vi trốn thuế của mình? 

Đề nghị các cơ quan chức năng phải sớm xác minh, điều tra những thông tin báo chí đã phản ánh. Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự cần khởi tố, điều tra những cá nhân có liên quan, đồng thời thu hồi tiền thuế cho nhà nước.