Ngành thẩm mỹ tại Việt Nam đang trải qua sự bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, khi nhu cầu chăm sóc bản thân và làm đẹp gia tăng. Xu hướng sử dụng công nghệ hiện đại như laser và các phương pháp điều trị không xâm lấn cũng trở nên ngày càng phổ biến.
Mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu và xu hướng mới, khiến ngành thẩm mỹ cạnh tranh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển, ngành này cũng đối mặt với những thách thức như tiêu chuẩn chất lượng và an toàn, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động của mình.
Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, tại cơ sở Thẩm mỹ Quốc tế Lim A (92 Lê Lợi, phường Thắng Nhi, TP.Vũng Tàu) đang có tình trạng để nhân viên không rõ bằng cấp chuyên môn sử dụng thiết bị chiếu tia vào cơ thể người. Bên cạnh đó, tại đây cũng cung cấp những dịch vụ “cấm", chưa được Bộ Y tế cấp phép.
Cho nhân viên phun xăm thực hiện can thiệp thẩm mỹ?
Để làm rõ thông tin, trong vai khách hàng có nhu cầu giảm béo, PV Chất lượng Việt Nam đã đến địa chỉ số 92 Lê Lợi, phường Thắng Nhi, TP. Vũng Tàu để thăm khám. Theo ghi nhận, bên ngoài cơ sở treo biển “Thẩm mỹ quốc tế Lim A” ở phía trên, còn phía dưới treo biển “Phòng khám chuyên khoa da liễu Bs Trương Sỹ Chiến - laser, điều trị nám, tàn nhang; điều trị mụn; điều trị sẹo”, giờ hoạt động từ 17h30 - 21h, riêng thứ 7 và chủ nhật hoạt động từ 8h-21h. Điểm chung của hai biển hiệu này là có số hotline giống nhau, đều là 0937.893.893.
Đi vào trong cơ sở, chúng tôi được một nữ nhân viên lấy thông tin cơ bản và dẫn vào phòng ở tầng trệt để nghe tư vấn. Sau khi đề nghị PV lên khám cân nặng, nhân viên này cho biết, tình trạng mỡ của PV là phân bổ toàn cơ thể chứ không tập trung ở 1 vùng nào cả. “Bên mình làm vùng nào giảm vùng đó, chứ không giảm toàn thân. Nếu bạn đang mong muốn giảm vùng bụng và vùng đùi thì đăng ký dịch vụ giảm vùng bụng riêng, vùng đùi riêng” - nữ nhân viên cho biết.
Theo nhân viên này, hiện Phòng khám có 2 phương pháp giảm mỡ là sử dụng sóng máy và tiêm meso.
Với phương pháp sóng máy, khách hàng bắt buộc phải thực hiện nhiều lần, mỗi tuần 2 - 3 lần mới có hiệu quả. Trong khi đó, với phương pháp tiêm meso, bác sĩ sẽ đưa trực tiếp dưỡng chất vào sâu mô mỡ nội tạng, khiến mỡ được đào thải ra bên ngoài bằng đường bài tiết tuyến mồ hôi.
Theo nhân viên tư vấn, phương pháp tiêm meso sẽ không châm chích hay chảy máu, “nhẹ nhàng như kiến cắn". Nữ nhân viên báo giá, công nghệ máy là 890 nghìn đồng/lần, còn phương pháp meso sẽ là 3 triệu/lần.
Tuy nhiên, khi PV hỏi ngược lại, những phương pháp này sẽ giúp giảm được bao nhiêu kg mỡ thì người này thú nhận không biết. Cụ thể thế nào, phải để cho bác sĩ thăm khám. Sau đó, nhân viên này dẫn chúng tôi qua gặp một phụ nữ mặc áo blouse trắng, đeo biển tên “Phòng khám thẩm mỹ LIM A bác sĩ Nguyễn Hằng".
Sau khi kiểm tra, bác sĩ Hằng cho biết, PV nên đi 6 buổi meso kết hợp với 4 buổi đi máy sẽ tiêu mỡ, đào thải mỡ ra ngoài. “Nếu như em đi 10 buổi máy thì chỉ giảm được 2kg mỡ. Em làm được meso nhiều thì tốt. Nhưng giới hạn của em chỉ là 6 buổi. Nếu đi 1-2 buổi meso thì sẽ giảm được 1,5 kg, còn nếu em đi 5-6 buổi meso thì sẽ giảm được gần 2,5-3kg” - bác sĩ Hằng khẳng định và nhấn mạnh, nếu chọn phương pháp meso thì bác sĩ làm, còn phương pháp máy thì điều dưỡng sẽ là người thực hiện.
Sau khi tư vấn xong, nhân viên tư vấn đưa PV lên thử phương pháp công nghệ máy. Tại lầu 1, rất nhiều nhân viên mặc áo đồng phục đen đang thực hiện các dịch vụ giảm béo và điều trị da liễu cho khách hàng. Tiếp chúng tôi là nhân viên tên Trang (SN 2004).
Bước đầu, nhân viên Trang bôi 1 lớp gel lên da và sử dụng máy rung đi trên bề mặt da bụng cho PV. Với công nghệ máy G5 sử dụng tần suất cao, rung mạnh để đánh mô mỡ lỏng ra. Sau khi đánh được tầm 15 phút, PV được đổi qua một máy khác, gọi là máy RF có sóng để đánh trực tiếp lên da. Đi được một lúc lại đổi qua công nghệ mới, có sóng đỏ chiếu lên bề mặt da với tiếng cót két nghe rất rợn người và ù tai.
Theo nữ nhân viên, sóng này là sóng làm săn, từng mũi chích điện sẽ đi vào các cơ nhằm kéo cơ làm săn da bụng. Được một lúc thì nhân viên Trang đổi sang một máy khác, PV tiếp tục nằm để ủ đèn, với mục đích chiếu tia, đốt mô mỡ phía trong, theo như lời nữ nhân viên nói.
Trong quá trình làm cho PV, nhân viên này liên tục gợi ý khách hàng đăng ký làm dịch vụ giảm mỡ bụng sau đó là tư vấn về thuốc giảm mỡ. “Bên em có thuốc đào thải mỡ trong ngày… nó giảm triệt để trong ngày. Bình thường đi ăn buffet bên ngoài em sẽ uống trước bữa ăn 30 phút. Ngày hôm sau chị đi vệ sinh, nó ra váng mỡ luôn. Nó ra mỡ trong ngày luôn. Hay lắm! Một ngày chị uống khoảng 1 viên thôi, trưa hoặc tối” - nhân viên Trang cho biết.
Thuốc mà nhân viên Trang nói là Odistad 120, được bán với giá 200 ngàn đồng cho 7 viên. Tra cứu trên hệ thống bán thuốc của Nhà thuốc Long Châu, Odistad 120 là loại thuốc điều trị béo phì và phòng ngừa tăng trở lại ở người lớn, giá bán mỗi viên chỉ ở mức 9,880 đồng/viên. Trong quá trình sử dụng, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như mệt mỏi, hạ đường huyết, lo lắng, đau đầu, nhiễm trùng hô hấp trên và dưới, nhiễm trùng đường tiết niệu, khó chịu, đau bụng, trực tràng…
Trong quá trình trò chuyện, Trang cho biết, bên trên lầu 1 còn có 2 phòng lớn và chỉ dành cho khách nam. Cô cũng tiết lộ, mình chỉ là nhân viên phun xăm, học nghề tại TP.HCM, sau đó xin vào làm tại cơ sở này.
Hiện tại, Thẩm mỹ Quốc tế Lim A cũng cung cấp các dịch vụ như phun, xăm thẩm mỹ. Nhân viên Trang khẳng định, mình sẽ là người sử dụng máy laser để xoá xăm chân mày cho khách hàng (!?). Việc Thẩm mỹ Quốc tế Lim A để nhân viên phun xăm thực hiện các can thiệp thẩm mỹ khi chưa có chứng chỉ hành nghề như trong trường hợp này liệu có đúng quy định về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên môn trong lĩnh vực thẩm mỹ hay không?
Cung cấp dịch vụ cấm?
Trong quá trình tư vấn cho PV về phương pháp giảm béo, bác sĩ Nguyễn Hằng còn cho biết, tại Thẩm mỹ Quốc tế Lim A cũng cung cấp dịch vụ làm căng bóng, trẻ hoá da bằng phương pháp PRP - tức tế bào gốc tự thân.
Về phương pháp này thì bác sĩ sẽ lấy một ít máu đưa vào máy quay ly tâm rồi chiết xuất thành phần huyết tương giàu tiểu cầu sau đó tiêm trở lại vào cơ thể khách hàng.
Theo tư vấn của nhân viên, dịch vụ PRP có các mức giá khác nhau là 2 triệu, 5 triệu và 10 triệu đồng/lượt, tuỳ theo khách hàng có nhu cầu sử dụng bộ KIT riêng hay không. Theo tìm hiểu của PV, các dịch vụ như tiêm meso để giảm béo, căng bóng da bằng phương pháp PRP được Thẩm mỹ Quốc tế Lim A cung cấp cho khách hàng đều chưa được Bộ Y tế cấp phép. Đồng thời, phương pháp giảm béo bằng phương pháp tiêm meso cũng chưa được kiểm chứng bằng khoa học, tài liệu hướng dẫn chưa ghi nhận việc sử dụng tiêm meso trong điều trị giảm béo.
Liên quan đến làm đẹp bằng RPR, một bác sĩ thẩm mỹ tại TP.HCM cho biết, sử dụng PRP phục vụ trong làm đẹp hiện vẫn chưa được Bộ Y tế cho phép thực hiện tại bất cứ cơ sở nào gồm spa, thẩm mỹ viện, phòng khám… trên cả nước. Cụ thể, PRP là từ viết tắt của cụm từ “Platelet-rich plasma”, nghĩa là huyết tương giàu tiểu cầu. Nói một cách dễ hiểu, tế bào gốc là tế bào còn non, biệt hoá thành những tế bào khác nhau để có chức năng khác nhau. Tế bào gốc được sử dụng nhiều trong y khoa nhưng chủ yếu là để điều trị bệnh lý chứ chưa được phép dùng để làm đẹp, trẻ hoá da. Về công dụng làm đẹp của tế bào gốc, hiện nay trên thế giới hay ở Việt Nam đều chưa có chứng cứ rõ ràng và chưa được phép sử dụng.
Như vậy, dịch vụ PRP chưa được Bộ Y tế cấp phép và khuyến cáo sử dụng ở bất kỳ đơn vị, cơ sở làm đẹp nào tại Việt Nam. Vậy có phải Thẩm mỹ Quốc tế Lim A của bác sĩ Trương Sĩ Chiến đang đi ngược lại quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.
Hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…
Bên cạnh đó, nếu cơ quan chức năng xác định hành vi “Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” cơ sở có nguy cơ bị phạt từ 20.000.000đ – 30.000.000đ, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 2 đến 4 tháng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người chịu trách nhiệm chuyên môn tại cơ sở từ 1 đến 3 tháng.