Lâu nay hàng không lấy lý do an ninh và hành xử như ông lớn, tự ban hành các quy định rồi tự huỷ vé của khách không có căn cứ pháp luật (trong khi mua bán vé là giao dịch dân sự). Nay nhóm luật sư chúng tôi, cũng là khách hàng và ai cũng từng bị Vietnam Airlines (VNA) ngang nhiên hủy vé sẽ phân tích hoạt động mua bán vé dưới góc độ pháp luật.

Nhiều khách mua vé khứ hồi, nhưng không bay lượt đi, bị VNA hủy vé lượt về; khách mua vé online ghi sai tên (hoặc không đầy đủ tên), bị hủy vé không hoàn tiền… Điều đó khiến khách hàng nghĩ VNA “cướp” vé của khách để bán thêm lần nữa. Vậy VNA có trái luật?

Hợp đồng mua vé là gì?

-       Tại mục 3.1. của Điều lệ Vận chuyển VNA công bố ghi rõ “Vé là bằng chứng của hợp đồng”. 

-       Về hình thức, mua vé online là hợp đồng điện tử (dữ liệu điện tử theo Điều 34 Luật Giao dịch Điện tử). Và vé chính là “chứng từ thanh toán” như hoá đơn (Theo Luật Kế toán và Điều 3 Thông tư số 39/2014/TT-BTC). 

-       Về nội dung, hợp đồng là hoạt động giao dịch dân sự, nên phải tuân thủ theo chế định Hợp đồng được quy định tại Bộ Luật Dân sự VN. Hợp đồng phải được thực hiện bởi chủ thể có đủ năng lực chủ thể (năng lực pháp luật, năng lực hành vi).  

Về chỉnh sửa tên

Theo Điểm 3.1.2. Điều lệ vận chuyển của VNA quy định “hành khách không được chuyển nhượng Vé của mình cho người khác”. Vậy trường hợp hành khách do sơ sót nên ghi sai tên hoặc thiếu họ thì phải căn cứ khoản 1 Điều 126 Bộ luật dân sự 2015, giao dịch này vô hiệu do bị nhầm lẫn. Vậy hành khách phát hiện có sự nhầm lẫn thì có quyền yêu cầu hãng hàng không sửa tên (có thể hành khách phải chịu một khoản phạt nhất định do việc nhầm lẫn này) để giao dịch đó có hiệu lực. Còn việc hãng tự ý hủy vé của hành khách là sai.

Vì tại khoản 2 Điều 126 Bộ luật dân sự 2015 quy định "Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được". 

Có thể thấy trong trường hợp hành khách do sơ sót ghi sai tên hoặc thiếu họ, tên của mình thì hãng hàng không có thể khắc phục ngay việc nhầm lẫn này cho đúng đối tượng hợp đồng (việc này phục vụ cho việc an ninh kiểm soát). Quy định này của Bộ luật dân sự cũng phù hợp với quy định nội bộ VNA cho phép nhân viên được sửa tên trên vé nếu thiếu chữ “văn”, chữ “thị” hay sai vài ký tự mà không cần bắt khách hàng phải chứng minh. 

Có nghĩa VNA cho phép sửa vé. Vậy nếu sai nhiều hơn mà khách hàng chứng minh họ là chủ sở hữu vé thì lẽ ra phải được VNA chỉnh sửa cho đúng là điều tất nhiên. Trừ khi VNA chứng minh người đó mua lại vé (VNA cấm mua bán vé cho nhau), tức vé từ A sang B thì mới có quyền không cho sửa.  

- Còn nếu VNA không cho sửa thì Hợp đồng mua bán vô hiệu. Nguyên tắc xử lý hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau: "các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận". Nghĩa là, người mua phải trả vé lại cho bên bán, bên bán phải hoàn tiền lại cho người mua. Do hợp đồng vô hiệu nên khi xem xét sẽ không tính đến nội dung hợp đồng, nên việc hành khách mua giá rẻ hay mắc không là căn cứ để xem xét, giải quyết. 

- Tiếp đến là chứng minh bên nào có lỗi thì yêu cầu bồi thường. Cụ thể, khách có lỗi vì đăng ký không đầy đủ tên. Nhưng khi khách chứng minh họ chính là chủ sở hữu, chính là người mua vé đó, và yêu cầu sửa chữa cho đúng, nhưng VNA không hợp tác, dẫn đến gây thiệt hại thì đó là lỗi của VNA. 

Do vậy, VNA tự huỷ vé rồi tự lấy tiền vé của khách là trái luật (giang hồ gọi là ngang ngược), sai quy định pháp luật VN.  

- Theo giải thích của các Facebook bán vé cho rằng “không cho sửa là thông lệ quốc tế”, đều không đúng ở đây. Bởi thông lệ quốc tế áp dụng cho khách quốc tế. Đây là VN phải áp dụng luật VN. 

Và chính trong Điểm 2.5 của Điều lệ Vận chuyển, VNA ghi rõ “Luật áp dụng điều lệ này là luật VN. Nếu điều lệ mâu thuẫn với Luật VN thì ưu tiên áp dụng Luật VN”. 

Còn việc VNA huỷ vé lượt về của khách hàng khi khách hàng bỏ lượt đi đúng sai thế nào, nhóm luật sư chúng tôi sẽ phân tích tiếp.

P/s:  Đã đến lúc chúng ta phải đứng lên nói rõ mọi kiểu gian dối để hướng tới cơ chế thị trường lành mạnh. Tôi nghĩ, giờ bất kỳ hãng nào làm đúng (nếu hãng không xài vốn ưu đãi càng tốt), miễn đảm bảo quyền lợi khách hàng thì mới xứng đáng tôn vinh là hãng hàng không quốc gia!

Còn nếu sai không sửa thì chúng ta chỉ còn cách dùng đến quyền của khách hàng để tẩy chay mà thôi!

Nguồn: Facebook Nhà báo Hàn Ni